Bài 2 – tổng quát về học phát âm

Hôm bữa Vy có nói sẽ viết một bài về phát âm cho các bạn đọc chơi nên nay rãnh viết luôn. Bài viết chia ra làm 3 phần: tầm quan trọng của phát âm chuẩn, các quan niệm sai lầm khi học tiếng Anh và những khó khăn và giải pháp cho người học phát âm.

Tầm quan trọng của phát âm chuẩn

Trong những năm gần đây, Việt Nam đã gia nhập ASEAN hay WTO, nhiều công ty nước ngoài đến Việt Nam và hy vọng tuyển dụng được nhiều tài năng với kĩ năng tiếng Anh, tuy nhiên thì yêu cầu về tiếng Anh của rất nhiều nhà tuyển dụng chưa được đáp ứng vì phần lớn sinh viên tốt nghiệp có kĩ năng tiếng Anh khá thấp (Kieu, 2010, p.119). Hệ thống giáo dục tiếng Anh ở Việt Nam nói chung theo phương pháp rất nặng về ngữ pháp, mà phương pháp ra đời rất lâu rồi và không còn ai còn áp dụng nữa, trừ các nước châu Á khác như Nhât, Hàn, Trung Quốc. Nhìn chung thì sinh viên Việt Nam có kiến thức về ngữ pháp và từ vựng khá tốt.  Tuy nhiên, theo  Gilakjani (2012), người học với kiến thức về ngữ pháp và từ vựng tốt mà phát âm không tốt thì sẽ không giao tiếp hiệu quả trong khi những người có phát âm tốt sẽ giao tiếp tốt hơn mặc dù họ mắc các lỗi về ngữ pháp hay từ vựng. Người có phát âm không tốt thì sẽ thường cảm thấy bị cô lập, không tự tin khi nói tiếng Anh và gặp nhiều khó khăn tìm kiếm công việc hay các cơ hội học tập vì họ dễ dàng bị đánh giá thấp bởi các nhà tuyển dụng hay ngừoi phỏng vấn. Phát âm không phải là nguyên nhân duy nhất gây ra việc thất bại trong giao tiếp nhưng nó lại là yếu tố khó giải quyết nhất (Jenkins,2002)

Các quan niệm sai lầm khi học phát âm

Ngữ cảnh có thể khắc phục việc phát âm không tốt: đây là quan điểm rất thưởng được nhắc đến bởi giáo viên hay người học tiếng Anh. Đại loại là nếu bạn phát âm sai nhưng có ngữ cảnh thì người khác vẫn hiểu bạn nói gì. Thực tế thì điều này chỉ đúng với những đối tượng đã nói tiếng Anh thành thạo hay giữa người bản xứ nhưng đối với hai người không phải người bản xứ hoặc nói chưa tốt thì họ sẽ dựa vào những gì mình nghe để đoán nghĩa chứ không phải ngữ cảnh (Jenkins, 2002)

Nói như ngừoi bản xứ trong vòng X tháng: Người học ở Việt Nam đa số thích nói được giống như người bản xứ, chất giọng được ưu ái nhất là giọng Anh. Tuy nhiên, Việt Nam, khác với những nước nói tiếng Anh khác, tiếng Anh chỉ được dạy trong trường học như ngôn ngữ nước ngoài chứ không phải ngôn ngữ chính thống và phần lớn khi giao tiếp bằng tiếng Anh, học sinh sinh viên chỉ dùng tiếng Anh để giao tiếp với nhau chứ không phải với người bản xứ nên việc nói giống như người bản xứ là không thực tế lắm. Vì thế, điều quan trọng giáo viên cần định hướng đúng mục tiêu cho học viên đó là phát âm làm sao để dễ hiểu nhất và không gây ra trở ngại trong giao tiếp chứ không phải nói làm sao cho giống người bản xứ trong vòng X tháng.

Điều thứ 2 giáo viên cần định hướng cho học viên đó là, tiếng Anh không còn là ngôn ngữ của các nước Anh, Mỹ, Úc nữa rồi mà nó là ngôn ngữ quốc tế (Lingual Franca). Điều này có nghĩa là tiếng Anh sẽ chịu ảnh hưởng của tính vùng miền của người học. Điều này lí giải vì sao có Singlish hay Malaysian English hay Chinese English. Người học tiếng Anh không nên đặt nặng vấn đề rằng phải nghe giống ngừoi bản xứ và người bản xứ trong thế giới phẳng như hiện nay cần phải làm quen với giọng địa phương của tiếng Anh chứ không được cứ khăng khăng phải nói giống như mình thì mới là tiếng Anh. Điều này không có nghĩa là muốn nói sao thì nói nhưng phải có một số tiêu chuẩn nhất định. Có thể accent không giống bản xứ nhưng những yếu tố khác như ngữ điệu, nói rõ nguyên âm, phụ âm thì nhất thiết là vẫn rất quan trọng. 

Khó khăn của người Việt Nam khi học tiếng Anh

Hầu hết các lớp học phát âm ở Việt Nam đều tập trung vào phát âm các âm đơn lẻ (segmental – đơn vị đoạn tính)(Nguyen, 2007) mà chưa tập trung vào đơn vị siêu đoạn tính như ngữ điệu và dấu nhấn trong câu, trong từ. Tuy nhiên thì nghiên cứu đã chỉ ra rằng, đơn vị siêu đoạn tính như ngữ điệu sẽ giúp người học tăng sự hiệu quả trong giao tiếp và nghe dễ hiểu hơn. Đối với những học viên có tham vọng nói như người bản xứ thì đơn vị siêu đoạn tính như Ngữ điệu sẽ là yếu tố ảnh hưởng đến giọng (accent) (Kang, 2013). Vậy nên có thể kết luận rằng đơn vị siêu đoạn tính góp phần quan trọng hơn là các âm đơn lẻ.

Biết là vậy nhưng để thành thạo đơn vị siêu đoạn tính như ngữ điệu là một việc tương đối khó vì sự khác biệt giữa tiếng Anh và tiếng Việt. Tiếng Việt là loại ngôn ngữ đơn âm (syllable-timed) và thanh điệu có nghĩa là đọc từng âm rõ ràng và có dấu (syllable-timed) trong khi tiếng Anh là ngôn ngữ trọng âm (stress-timed) tức là dấu nhấn đóng vai trò quan trọng trong ngôn ngữ đó. Người học một ngôn ngữ mới luôn chịu ảnh hưởng của ngôn ngữ mẹ đẻ vì thế việc học một ngôn ngữ là vô cùng khó khăn. Khó khăn này không mới, vậy nên các nhà ngôn ngữ học đã tập trung vào tính âm nhạc của tiếng Anh và thiết kế các khoá học về ngữ điệu với patterns cho các mẫu câu hay dùng cho văn nói. Khi người học tập trung vào luyện các pattern này thì theo thời gian nó sẽ trở thành phản xạ tự nhiên. Các giáo trình thịnh hành như American Accent của Ann Cook, Clear Speech của Judy Gilbert hay gần đây nhất là Jazz Chants của Carolyn Graham nhận được khá nhiều sự chú ý. Đã đến lúc phát âm nói chung, đơn vị siêu đoạn tính nói riêng nên nhận được sự chú ý từ giáo viên và tiếng học tiếng Anh nếu như Việt Nam muốn hội nhập kinh tế và hướng đến một thế hệ trẻ tự tin, năng động mà ngôn ngữ không còn là rào cản nữa.

Ngoài việc không được dạy hoặc thiếu các bài học liên quan đến ngữ điệu, do đặc tính tiếng Việt không có phụ âm cuôí nên đây là phần mà người học rất nhiều khó khăn, học viên có xu hướng thêm s vào những chỗ không cần thiết và không có s vào những chỗ đáng ra phải có. Vậy nên giáo viên nên tập trung vào cách phát âm các âm đuôi như s, z, t, k (Nguyen, 2007)

Ngoài ra, nối âm và giảm âm (schwa) là rất khó với người Việt và thực tế thì khi nói không cần nối âm hay giảm âm thì nghe vẫn dễ hiểu. Tuy nhiên, đề nghe tốt và nhanh hơn thì các bạn cần được luyện tập những mảng này một cách nghiêm túc. Nếu không sự tiến bộ trong kĩ năng nghe sẽ rất khó khăn. (Rogerson, 1990)

Lời kết:

Tóm lại, để kiếm công việc hoặc cơ hội học tập tốt hơn và để trở thành một người tự tin hơn và không bị đánh giá thấp bởi các nhà tuyển dụng, các bạn cần đầu tư nhiều vào phát âm hơn và lộ trình thì nên là: ngữ điệu, âm đuôi, nối âm và giảm âm sau đó đến nguyên âm ngắn dài.

Nguồn

Gilakjani, A. P., & Ahmadi, M. R. (2011). Why is Pronunciation so difficult to Learn?. English Language Teaching.

Jennifer Jenkins; A Sociolinguistically Based, Empirically Researched Pronunciation Syllabus for English as an International Language, Applied Linguistics, Volume 23, Issue 1, 1 March 2002,

Kang, O. (2013). Relative impact of pronunciation features on ratings of non-native speakers’ oral proficiency. In J. Levis & K. LeVelle (Eds.), Proceedings of the 4th Pronunciation in Second Language Learning and Teaching Conference, August 2012

Kieu, K. A. H. (2010). Use of Vietnamese in English Language Teaching in Vietnam: Attitudes of Vietnamese University Teachers.

Nguyen, T. T. T. (2007). Difficulties for Vietnamese when pronouncing English: Final Consonants.

Rogerson, P., & Gilbert, Judy B. (1990). Speaking Clearly : Pronunciation and Listening Comprehension for Learners of English / Pamela Rogerson, Judy B. Gilbert.

Leave a Reply

Blog at WordPress.com.