Có nên học phát âm không? Đây là câu hỏi mà bạn đang thắc mắc. Phát âm có quan trọng như ngữ pháp, từ vựng, luyện nghe, luyện đọc hay không? Chúng ta nên đầu tư học một khoá phát âm riêng lẻ hay chỉ cần lưu ý về cách phát âm trong lúc học từ vựng là được? Có lẽ người học tiếng Anh đã biết phát âm ảnh hưởng tới khả năng nói và nghe nhưng nó ảnh hưởng như thế nào và ở mức độ nào? Trong bài viết này mình sẽ chỉ ra phát âm không chỉ ảnh hưởng đến nghe, nói, mà còn ảnh hưởng đến việc học và áp dụng các cấu trúc ngữ pháp, từ vựng và đọc hay nói khác hơn là hầu như toàn bộ quá trình học tiếng Anh. Sau bài viết này mình hy vọng bạn đọc sẽ coi việc học phát âm nghiêm túc hơn, đừng nghĩ nó chỉ là phần phụ thêm mà nó thực sự đóng vai trò trọng yếu trong quá trình học.
Ảnh hưởng đến quá trình nói
Đầu tiên mình sẽ chỉ ra phát âm ảnh hưởng đến khả năng nói tiếng Anh như thế nào. Đầu tiên, khi nói chúng ta sẽ dùng cấu trúc ngữ pháp để xây dựng câu và từ vựng để trình bày ý và phát âm sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến cách dùng từ vựng, ngữ pháp.
Ảnh hưởng đến từ vựng

Để minh họa sự quan trọng và tầm ảnh hưởng của phát âm đến việc nhớ và sử dụng từ vựng, mình xin đưa ra 1 ví dụ về con trai của người bạn Hàn Quốc đã từng là hàng xóm của mình. Bé trai đó có tên Hàn, giờ thực sự mình vẫn không nhớ rõ là gì. Mình đã hỏi tên của bé 2 lần nhưng sau 2 lần mình đều quên và không nhớ cách phát âm dẫn đến những lần tiếp theo gặp bé, thay vì nói ” Hi, + tên bé” thì mình đã rút gọn nó thành “Hi.” Trong ví dụ này mình đã tránh dùng tên bé hoàn toàn vì mình ngại phát âm sai hay không nói đúng tên của bé. Đây là cách mà rất nhiều người học tiếng Anh đối xử với từ vựng. Họ có xu hướng tránh dùng chúng trong văn nói hoàn toàn khi không nhớ cách phát âm hay dùng từ ngữ có nghĩa tương tự để thay thế.
Một ví dụ khác là một trường hợp phổ biến với người học đó là từ colleague, với âm đuôi là âm /g/ gây khó khăn cho nhiều bạn và họ hay nhầm lẫn cách phát âm với từ college, việc này dẫn đến học viên sẽ dùng từ co-worker để thay thế thay vì kiên trì học cách phát âm g đuôi cho thành thạo và việc không sử dụng từ càng làm việc quên từ diễn ra một cách dễ dàng và nhanh chóng. Việc biết cách phát âm của một từ liên quan mật thiết đến việc sử dụng từ và nhớ từ.
Ảnh hưởng đến ngữ pháp

Trong quá trình dạy học, một thắc mắc mà có rất nhiều bạn học viên hỏi mình đó là cách phát âm của cụm từ “I’d like.” Đây là cấu trúc phổ biến để trả lời cho câu hỏi “what would you like to do tonight?” “I’d like to listen to some music” hoặc “I’d like to stay at home and relax”, nhưng vì không phát âm không được I’d, các bạn hay có xu hướng thay thế nó bằng câu đơn giản hơn là “I like to listen to music”, tuy nhiên câu này ý nghĩa không tương đồng với câu trên. Nó chỉ mang nghĩa là tôi thích nghe nhạc một cách chung chung chứ không phải vào lúc này tôi thích làm điều này. Hay một ví dụ khác cho câu điều kiện loại 3: If she had studied, she would’ve passed the exam. Ở đây cụm would’ve là cụm khó phát âm với người học, nên thay vì dùng cấu trúc câu điều kiện, họ sẽ thay thế bằng “if she studies, she could pass the exam.” Rõ ràng ở đây, người học không cần làm nhiều bài tập ngữ pháp để dùng được cấu trúc, mà họ chỉ cần học thêm về phát âm để đưa cấu trúc này vào thực hành. Còn rất nhiều ví dụ nữa mà người học tránh dùng hoặc thay thế cấu trúc ngữ pháp mà họ gặp vấn đề phát âm bằng những mẫu câu hơn giản hơn, và việc này ảnh hưởng đến việc nâng cao khả năng nói với nhiều cấu trúc ngữ pháp đa dạng.
Ảnh hưởng đến quá trình nghe

Đây có lẽ là phần mà phát âm ảnh hưởng rõ ràng nhất với người học, nhưng nó ảnh hưởng đến mức nào? Ngừơi học với phát âm không tốt sẽ không nhận diện được âm, từ, câu, nhầm lẫn ý nghĩa của câu và quan trọng là không hiểu được một đoạn hội thoại dài
Ở đơn vị âm và từ, khi không nắm rõ nguyên âm, người học sẽ dễ dàng nhầm lẫn giữa: walk và work, hut và hat, war và worm. Nhiều người cho rằng người học có thể dùng ngữ cảnh để đoán nghĩa của từ dù họ không phát âm đúng, tuy nhiên điều này không đúng, theo Jenkins, người học tiếng Anh ở cấp độ thấp sẽ không nghe và đoán được ngữ cảnh mà họ chỉ dựa vào những gì họ nghe được để giải mã nghĩa. Khi âm và từ không được nhận diện đúng thì quá trình nghe cũng bị gián đoạn.
Ở đơn vị câu, khi có sự xuất hiện của giảm âm và nối âm, là những hiện tượng vô cùng phổ biến trong văn nói, với giảm âm chiếm >50% số âm được nói, người học không được học phát âm sẽ hoàn toàn nhầm lẫn hoặc không hiểu được ý nghĩa của câu. Ví dụ câu “what’s in it” sẽ được đọc thành Whazənət, khi không có khả năng nghe ra nối âm và giảm âm thì quá trình nghe xem như hoàn toàn gián đoạn. Ngoài việc học nguyên âm và phụ âm đơn lẻ, thì việc luyện phát âm liên quan đến nối âm và giảm âm cũng chiếm vai trò quan trọng không kém giúp thúc đẩy quá trình nghe diễn ra nhanh chóng và hiệu quả hơn.
Và quan trọng hơn, khi người học phải nghe một đoạn hội thoại dài, thì họ thông thường chỉ nghe 2,3 phút và não bắt đầu lơ đãng vì không thể tập trung. Khi không thể nghe ra đúng cách phát âm của âm, từ, câu, não bộ của người nghe sẽ gặp tình trạng làm việc quá sức, bị overload và lập tức sẽ ngừng cố gắng để tiếp tục nghe.
Vậy nên để luyện nghe hiệu quả, không nhất thiết phải cứ nghe càng nhiều càng tốt mà nên tập trung vào việc học phát âm để khả năng nhận diện âm, từ, câu cho đúng để não bộ không bị làm việc quá mức dẫn đến việc ngừng chú ý, và tập trung.
Ảnh hưởng đến khả năng đọc

Bạn đang đọc 1 bài reading IELTS nhưng không tài nào nhớ nổi mình đã đọc thông tin gì và liên tục quay lại và đọc lại để check lại thông tin? Đây có lẽ là một tình huống rất quen thuộc với những bạn đang học đọc tiếng Anh. Tại sao điều này lại xảy ra? Trong phần này mình sẽ phải thích mối liên hệ mật thiết giữa phát âm và quá trình đọc.
Ở Mỹ, trẻ em luôn được học về phát âm, âm vị học (phonology) từ khi còn rất bé, vì nó là một phần vô cùng quan trọng giúp trẻ học đọc sau này. Trẻ mắc hội chứng khó đọc – dyslexia – thông thường sẽ gặp rất nhiều vấn đề nhận diện và phân biệt âm. Giải thích một cách chuyên môn hơn thì khi đọc một văn bản, một quá trình sẽ diễn ra đó là từ được “đọc thầm” trong đầu hay còn gọi sub-vocalisation, từ và câu sẽ đi qua “vòng lặp âm vị học” (phonological loop) và sau đó sẽ được lưu vào trí nhớ dài hạn. Tuy nhiên, với người học không có khả năng phân biệt âm, không nhớ cách phát âm của từ, thì từ và câu sẽ bị chặn ngay tại vòng lặp âm học và không đi đến trí nhớ dài hạn được và kết quả là việc đọc diễn ra một cách chậm chạp, và người đọc thường xuyên phải quay lại đọc những thông tin đã đọc rồi nhưng không nhớ. Để giải quyết vấn đề này, việc cần làm là nên học phát âm, âm đơn, cách phát âm từ, dấu nhấn chứ không phải cứ tiếp tục đọc càng nhiều càng tốt.
Đọc đến đây, mình hy vọng đã trả lời được câu hỏi có nên học phát âm không. Bài viết này đã chỉ ra rằng phát âm không nên chỉ là một phần học phụ thêm, chỉ để nói cho hay mà nó là một phần học quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến toàn bộ quá trình học tiếng Anh: từ vựng, ngữ pháp, nghe nói và đọc.
Leave a Reply